Bài Viết Mới Nhất

(TTO) - Bên cạnh món gỏi cá khô danh bất hư truyền của Nam Ô, người dân Đà Nẵng còn rất thích thú với món gỏi cá ướt.

Sở dĩ gọi là gỏi cá ướt vì món gỏi này không khô ráo như món gỏi cá  thường thấy, được chế biến làm chín bằng cách ướp cá ngập trong nước pha rất bí truyền của người xưa. Nhờ cách chế biến này, cá vừa mang lại cảm giác tươi rói, ngọt ngào khi ăn mà lại không còn mảy may mùi tanh đặc trưng của cá.

Cũng giống gỏi cá khô, gỏi cá ướt thường được làm từ những loại cá nhỏ như cá ve, cá cơm, cá mòi... nhưng ngon nhất phải là cá trích. Phải chọn những con cá nhiều thịt, còn tươi sống mới cho thịt béo ngọt khi ăn.

Cá được đánh sạch vảy, bỏ ruột, đầu, vây và đuôi. Khi chế biến món này, người ta không lấy nguyên con cá mà chỉ lấy phần thịt hai bên lườn. Dùng dao mỏng lóc bỏ xương, lấy phần thịt hai bên để làm gỏi.

Sau đó cắt thành những miếng dài vừa ăn, rồi ướp ngập trong các loại gia vị như riềng cắt sợi, tỏi băm nhuyễn, gừng đập giập, ớt sừng… cùng chanh và giấm gạo.
Dulichgo
Nước ướp cá được giữ lại hòa với nước mắm đậm đà, chút ít đường dùng để chấm gỏi cá. Khi ấy mùi thơm từ tô nước chấm sẽ kích thích vị giác người ăn vô cùng. Trước khi ăn bỏ thêm chút mè rang, đậu phộng giã nhỏ trộn vào nước chấm để tăng thêm vị ngon của gỏi.

Một điểm làm nên "linh hồn" món ăn này chính là rau ăn kèm. Trên khay đầy ấp rau rừng tươi rói nhiều màu sắc, lá móc trộn lẫn lá đinh lăng, lá xoài non nõn, cùng với rau sống thông thường như xà lách, rau thơm, diếp cá, hoa chuối, trộn lẫn với khế thái ngang thái dọc, dưa leo, chuối chát thái dài màu trắng, khép nép dưới xấp bánh tráng lề dùng cho cuốn gỏi.

Chính các loại rau nói trên với nhiều rau là vị thuốc là một trong những bí quyết làm món gỏi trở thành món ngon "nhức răng" và tránh cho những cái bụng yếu khi ăn gỏi cá được bình yên.

Cảm nhận đầu tiên khi cắn cuốn gỏi cá là vị cay xông lên tận mũi, chính cái cay này khiến người ăn phải hít hà, suýt xoa, thậm chí chảy cả nước mắt. Thế nhưng cũng đúng thôi, món gỏi này bắt buộc phải cay, càng cay càng ngon. Bởi chính cái cay của ớt, gừng, riềng mới lấn át đi vị tanh của cá sống.
Dulichgo
Để rồi từ cái cảm giác cay ban đầu là dư vị ngọt tươi, mằn mặn của nước cá, cái vị beo béo của cá cùng với vị cay xé lưỡi của ớt cộng với các loại lá mang hương rừng, vị chuối chan chát, vị chua chua của khế, xoài… tất cả gói ghém lại ngập tràn trong miệng ăn. Để rồi cứ từ từ hít hà mà đánh chén bay tưng tô gỏi cá mặn mòi lúc nào không hay.

Món này thường được nhiều đấng mày râu ưa thích, bởi khi nhâm nhi với bia vào mỗi chiều hè như thế này thì món này càng dách lầu hơn.

Tất nhiên món gỏi cá này không phải ai cũng có thể "cảm" ngay lần đầu. Nhiều người luôn cảm thấy e dè với món gỏi cá sống này, nhưng thử "liều mình" nhâm nhi một lần, chắc chắn nhiều người sẽ bị thu hút ngay tắp lự. Vì lẽ đó mà món ăn dân dã này luôn có mặt trong các quán nhậu, nhà hàng lớn nhỏ trong thành phố.

Theo Huỳnh Lê Đức Hợp (Báo Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!

Hướng Hóa được biết đến với nhiều địa danh di tích lịch sử nổi tiếng như cứ điểm Khe Sanh, Sân Bay Tà Cơn, Làng Vây, Nhà Tù Lao Bảo ...

< Trong động Brai, rất nhiều khối thạch nhũ lớn đầy màu sắc và có hình dáng như những búp hoa.

Không những thế, với địa hình núi non thiên nhiên hùng vĩ đã ban tặng cho nơi đây rất nhiều thắng cảnh ngoạn mục đẹp mắt. Một trong những số ấy là một Hang Động vừa mới được phát hiện ngày 12/8/2012 tại dãy núi thuộc thôn A Soc, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa với nhiều khối thạch nhũ độc đáo.

< Để vào động Brai, chỉ cần theo quốc lộ 9 (đoạn qua thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) lên đường Hồ Chí Minh 60Km.

Từ thị trấn Khe Sanh, theo đường Hồ Chí Minh khoảng 60km, là đến hang động có tên rất “kêu” - Brai. Những năm trở lại đây, hang động Brai ở thôn A Sóc (xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) đã khiến nhiều khách “bụi” mê mẩn trước vẻ đẹp hoang sơ với nhiều khối thạch nhũ có tuổi thọ hàng trăm năm.

< Động Brai tọa lạc giữa lưng chừng dãy núi Brai, trước mặt thôn A Sóc, xã Hướng Lập.
Dulichgo
< Ở dãy núi này, vẫn còn nhiều cây lớn tỏa bóng. Trước cửa hang Brai, nhiều loại dây leo to bằng cổ tay người lớn thõng từ trên núi xuống rất hoang sơ.

Đây là một hang động hoang sơ rất rộng và cao, cửa hình tam giác nhiều người có thể đi qua. Động có nhiều khối thạch nhũ màu vàng, trắng với hình dáng khác nhau. Bên trong còn có những khoảng rộng với các bãi đá ngầm, có nước chảy như dòng suối nhỏ. Càng vào sâu bên trong có nhiều khối thạch nhũ lớn và đẹp hơn.

< Cửa vào hang Brai khá rộng, nằm ở vị trí khô ráo, thông thoáng.
Dulichgo
Những già làng ở thôn A Sóc nói rằng, Động Brai được phát hiện từ lâu. Vào thời chiến tranh ác liệt, người dân và bộ đội từng vào hang để tránh bom đạn của kẻ thù. Hòa bình lập lại cho đến nay, vẻ đẹp của hang Brai chỉ được biết đến qua lời "truyền miệng".

< Cách cửa hang chưa đến 200 mét, đã xuất hiện những khối thạch nhũ đẹp. 

Lâu lắm, mới có vài du khách "bụi" hoặc dân bản địa tự lần mò vào hang để khám phá. "Hiện chúng tôi chỉ mới vào sâu khoảng 600 mét và đi theo một đường mòn. Chứ chưa đi hết các cửa hang" - anh Nguyễn Hữu Bá, trạm Trưởng trạm Kiểm lâm Hướng Lập, cho biết.​

< Rất nhiều khối thạch nhũ lớn cách cửa hang khoảng 300 mét. Khối thạch nhũ chạy dài ở độ cao khoảng 1,5 mét so với nền hang, có nhiều màu sắc.

< Vào sâu, hang Brai càng rộng. Đường đi khá vất vả vì phải bám vào những khối đá trơn trượt. Đến 400 mét, xuất hiện những con suối nhỏ trên nền thạch nhũ. Nước trong veo tí tách chảy ở những khối thạch nhũ đẹp mê hồn.
Dulichgo
Đường vào hang Brai khá thuận lợi. Chỉ cần ven theo dòng Sêbănghiêng - dòng sông chảy ngược nổi tiếng khoảng 1km là đến ngọn núi Brai. Leo núi tầm 100 mét là đến cửa hang...

< Cách cửa hang khoảng 500 mét, hang có trần rất rộng. Nhưng đường đi khó khăn hơn.

< Nhiều khách "bụi' đã vào hang thám hiểm. Họ "tiện tay" cưa gãy một số thạch nhũ đẹp đưa ra ngoài. Trạm kiểm lâm Hướng Lập và cán bộ Đồn Biên phòng Cù Bai nói rằng, biết là bị phá hoại, nhưng không xử lý được vì không có thẩm quyền.

Theo phán đoán của cán bộ Khu bảo tồn thì chắc chắn hang này còn rất sâu, vì có thể nằm trong hệ thống đá vôi nối liền với Quảng Bình. Hang Động này được Khu bảo tồn Bắc Hướng Hóa đặt tên là động Brai. Dự kiến sẽ đưa vào tuyến du lịch sinh thái , đây là điểm du lịch mới làm sinh động Du Lịch Quảng Trị và rất hấp dẫn các tuyến du lịch sinh thái.

Theo Lao Động, Quảng Trị 360
Du lịch, GO!

(iHay) - Người dân Nam bộ có câu vè: “Chợ không đàn bà là chợ Cầu Ông Lãnh”. Tréo ngoe là ngôi chợ này mang tên người đàn ông nhưng người họp chợ lại đa số là đàn bà.

Chợ mang tên đàn ông

< Chợ Ông Lãnh (ảnh xưa).

Chợ Cầu Ông Lãnh vốn nằm trên đường Nguyễn Thái Học, Q.1, TP.HCM, được xây cất năm 1929. Chợ chuyên bán những loại trái cây tươi như cam, bưởi, quýt, dừa, dưa hấu, ổi, xoài và các thứ rau sống. Hàng được các ghe thuyền từ lục tỉnh chở lên đổ cho các chủ vựa ở chợ.

Chủ vựa bán sỉ hàng lại cho dân buôn bán ở các chợ nhỏ trong phố về bán lại. Chợ họp suốt ngày đêm nhưng từ nửa đêm tới sáng là đông và nhộn nhịp nhất. Cạnh chợ Cầu Ông Lãnh còn có một ngôi chợ nhỏ gọi là chợ Cầu Muối, chuyên bán cá tươi, tôm, cua… cũng do các ghe chài mang lên. Tuy nhiên, người ta vẫn hay gọi chung khu này là chợ Cầu Ông Lãnh, vì hai ngôi chợ sát nhau, cùng gần một nơi có cây cầu mang tên Ông Lãnh.

< Bến cá chợ Cầu Ông Lãnh (ảnh xưa).
Dulichgo
Lý do có cái tên này vì nơi đây có con rạch (nói là rạch chứ khi trước ghe thuyền đi lại ra cửa sông lớn rất rộng). Từ cuối đường Nguyễn Thái Học khi muốn qua bến Vân Đồn, khu Khánh Hội, Q.4, người ta phải dùng ghe mới sang được. Lúc đó có một ông Lãnh hảo ý đã bỏ tiền ra làm một cây cầu gỗ để dân chúng đi lại cho thuận tiện. Sau này, đến năm 1929, người Pháp cho xây dựng lại cây cầu bằng xi măng dài 120 m, do một hãng làm cầu của Pháp thiết kế. Đến nay, cây cầu đã gần một thế kỷ nên bị hư hỏng và đã được xây dựng lại.

Nhiều người thắc mắc: Ông lãnh ở đây là ông lãnh binh hay lãnh sự? Vì ở gần rạch này phía Chợ Lớn cũng có dinh của một viên lãnh sự VN là ông Nguyễn Thành Ý ở. Phải chăng cây cầu được dựng lên do một nhân vật tên tuổi tại địa phương nên người ta gọi là Cầu Ông Lãnh? Hay ông lãnh sự Thành Ý lúc đó cũng có hảo tâm đã góp tiền dựng nên cầu này cho dân chúng đi?

Cuối cùng, giả thuyết thứ hai nói tiền xây dựng cây cầu này là do một lãnh binh bỏ tiền ra nên người địa phương nhớ công ơn đặt cho tên cầu là cầu “Ông Lãnh” là thuyết phục hơn cả. Nhưng tên thật của “Cầu Ông Lãnh” này là gì thì không có sách báo nào từ xưa tới nay ghi lại. Người viết bài này phải tìm tới đình Nhơn Hòa, Q.1 thăm hỏi thì vị trụ trì cao niên ở đây cho biết:
Dulichgo
“Đình Nhơn Hòa đã được xây dựng hơn 150 năm, vào khoảng thế kỷ 19 và đã được sắc phong vào năm Tự Đức thứ 5 (1852). Đình được xây dựng theo lối kiến trúc xưa, có chính diện, võ ca, nhà túc mang sắc thái của một ngôi đình làng cổ đang thờ ba vị thần: Thành hoàng bổn cảnh (thần làng), thần Trần Triều hiển thánh, tức Linh vị đức Trần Hưng Đạo và thờ lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng (một vị tướng của triều Nguyễn, trấn giữ đồn Thủ Thiêm - Cây Mai, chống lại quân Pháp khi chúng tấn công thành Gia Định)... Năm 1885, học giả Trương Vĩnh Ký có viết: “Chiếc cầu gỗ do ông lãnh binh gần đó cho bắc qua, chắc là ông lãnh Binh Thăng này chứ không phải ai khác”.

Vậy, ông lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng có lẽ chính là nhân vật đã được người dân đặt tên cho cây cầu cùng ngôi chợ cũ nổi tiếng và được thờ trang trọng ở đình Nhơn Hòa để ghi ơn. Hiện nay tên ông Lãnh Binh Thăng còn được đặt cho một con đường ở Q.11, TP.HCM.

Ngôi chợ trời đầu tiên tại Sài Gòn
Dulichgo
Người Việt ta vốn dễ dãi khi đặt tên, từ tên nhân vật thành tên địa phương như một ngã ba ở khu Chí Hòa, có một ông tên là Tạ. Ông này làm nghề bốc thuốc, hiệu thuốc của ông đặt ở ngã ba nên mấy chục năm qua, tên ngã ba Ông Tạ được nhiều người biết đến dù trong giấy tờ hành chính không ghi. Địa danh Gò Vấp cũng vậy. Từ gần một thế kỷ qua, ở khu vực này có một cái gò nhiều cây vắp lớn, một loại danh mộc nên người địa phương kêu là Gò Vắp, đọc trại lâu ngày trở thành Gò Vấp. Cứ như thế, nhiều địa danh Sài Gòn xưa được dân gian hóa, như tên các ngôi chợ trời dưới đây.

Nếu miền Bắc có chợ trời đầu tiên ở núi Sài Sơn, tỉnh Sơn Tây, thì miền Nam cũng có chợ đầu tiên ở đất Bến Nghé. Ngôi chợ này người dân quen gọi là chợ Chồm hổm hay chợ Lộ thiên, nằm trên một bãi đất trống gần dinh thành Ô-ma của Pháp. Ngày xưa chợ này họp vào buổi sáng, người cắp bửng, thúng, rau, thịt, hoa quả tới bán và không dựng quán, tủ, sập. Người mua kẻ bán cũng chỉ là những người dân địa phương và có tên gọi rất lạ: chợ “Cây da thằng mọi”. Trong tập Cổ Gia Định vịnh có ghi rõ: “Cây da thằng mọi, coi bán đủ thuốc xiêm cau mứt. Cái cầu Cao Miên thấy làm nguyên cột vắp ván chai”.

Xin đừng vội suy đoán nơi đây có người mọi làm nên ngôi chợ hay một người mọi coi chợ. Mọi là danh từ người Tây phương gọi những dân tộc ít người ở miền núi. Nguyên do là chỗ chợ có một cây đa to lớn, tán lá sum suê, và ở chợ này có bán một thứ đồ dùng trong nhà mà ở chợ khác không có là một loại đèn thắp bằng dầu đậu phộng hoặc dầu dừa, làm bằng đất nung. Kiểu đèn nắn hình một người hai chân quỳ và hai tay chắp lại, trên đỉnh đầu thì đội thếp dầu (lúc đó người ta cứ gọi chung là người mọi).

Ngôi chợ trời đầu tiên “Cây da thằng mọi” sau này được xây dựng lại và có tên mới, rất ý nghĩa là chợ Thái Bình (nằm góc Nguyễn Trãi - Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM).

Theo Lý Nhân Phan Thứ Lang (iHay.Thanhnien)
Du lịch, GO!

(VNE) - Đến thành phố sông Hàn, ngoài việc trải nghiệm những bãi biển xanh ngát, cây cầu lung linh về đêm, bạn sẽ khó lòng bỏ qua các món đặc sản hấp dẫn ngay từ vẻ ngoài.

Mì Quảng

Cũng như phở, bún hay hủ tiếu, mì Quảng được chế biến từ gạo nhưng lại có hương vị riêng biệt từ cách trình bày. Đầu tiên cho vào tô rau sống đủ loại, tiếp đến là mì sợi và chan nước, sau đó thêm hành và ngò lá xanh, đậu phộng rải đều. Nước lèo có độ đậm đặc của tôm giã nhuyễn và những nguyên liệu đặc trưng vừa đủ độ béo, đậm, ngọt. Giá một tô từ 15.000 - 25.000 đồng.

Bánh bèo

Bánh bèo Đà Nẵng thường được đổ trong những chén vừa. Nhân gồm thịt ba rọi, tôm lột vỏ, nấm mèo, đầu hành lá, gia vị và một chút nước màu.
Dulichgo
Khi bánh bèo chín, người chế biến thêm nhân sệt vào, chan ít nước mắm đã pha, rắc hành phi, đậu phộng giã rồi. Một phần bánh bèo chén cho một người ăn khoảng 20.000 đồng.

Bánh tráng cuốn thịt heo

Món cuốn dân dã này có được hương vị khó quên là nhờ khâu chọn lọc nguyên liệu. Bánh tráng phải là loại phơi sương, thơm mùi gạo. Thịt heo chọn loại ngon, luộc vừa tới rồi ngâm trong nồi nước dùng, sao cho miếng thịt có độ dẻo, phần mỡ trong, phần thịt trắng nõn nà, bì mềm.

Nếu có dịp đến thành phố Đà Nẵng, đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức món ăn đậm đà này ở các nhà hàng đặc sản (hệ thống Trần, quán Mậu…) hay các quán vỉa hè, chợ Cồn, chợ Hàn… với giá dao động từ 50.000- 80.000 đồng một phần.

Ốc hút

Ốc hút, là tên gọi dân dã người dân Đà Nẵng gọi riêng món ốc xào xả ớt. Ốc trước khi xào được đập thông hai đầu, khi thưởng thức chỉ cần hút nhẹ ở miệng vỏ sẽ cảm nhận được ngay thịt ốc vừa béo vừa chắc, ăn cùng xoài và đu đủ ngâm chua cay.

Vừa ăn vừa hít hà vị cay đặc trưng của các món ăn Đà thành sẽ khiến bạn có trải nghiệm khó quên. Hãy tìm đến các quán vỉa hè bán đồ ăn khuya hoặc quán hải sản gần bãi biển, một đĩa ốc hút có giá khoảng 20.000 - 30.000 đồng.

Mít trộn
Dulichgo
Đây là món ăn vô cùng thân thuộc với giới trẻ Đà Nẵng. Mít trộn có vị bùi và ngọt của mít non, giòn của da heo, thêm vị thơm của đậu phộng, hành phi và chút cay cay của ớt, rau thơm… tất cả tạo nên vị ngon hấp dẫn. Một đĩa mít trộn có giá 10.000 - 20.000 đồng.

Cá khô rang chua ngọt

Vùng biển Đà Nẵng mang đến nhiều món hải sản ngon, đặc biệt là các món từ cá. Từ lâu, cá khô là một món dân dã của người dân miền biển.

Cá khô xào cay, hay cá khô rang chua ngọt chất chứa hương vị biển mặn mòi. 25.000 đồng là giá một đĩa cá khô đầy đặn.

Chíp chíp xào cay

Đây là loại hải sản ngon, rẻ và vô cùng đặc trưng của Đà Nẵng. Ngoài việc hấp, xào cay chíp chíp cũng là cách làm phổ biến.

Hương vị ngọt dịu của chíp chíp cộng thêm mùi hăng của sả, cay của ớt, đậm đà của gia vị làm nên một món ăn nhất định phải thử khi đến Đà Nẵng. Món này bán ở mọi quán ăn hải sản, với giá 25.000-30.000 đồng đĩa.

Gỏi sứa

Gỏi sứa có cách chế biến đơn giản. Sau khi rửa sạch bằng nước đun sôi để nguội, vắt ráo nước, đem trộn sứa với chuối xanh, xoài xanh, đậu phộng, thêm chút rau thơm. Có thể ăn kèm cùng với bánh đa, chấm nước tương hoặc muối tiêu chanh đều rất ngon.
Dulichgo
Gỏi sứa cũng đặc biệt hợp với thời tiết mùa hè nóng nực vì vị thanh mát, không gây cảm giác ngán, được bán ở gần bãi biển, trong các chợ Cồn, chợ Hàn.... với giá 20.000-30.000 đồng một đĩa.

Gỏi cá mai

Cá mai có hình dáng tương tự cá cơm nhưng có một lớp vẩy bạc lấp lánh bao quanh và đặc biệt là không có máu nên không có mùi tanh.

Cá mai đánh sạch vảy, cắt bỏ đầu đuôi, dùng dao mổ dọc theo lườn cá, rút bỏ xương sống, làm tái bằng nước cốt chanh, vắt ráo và để riêng. Các loại rau như cá rốt thái sợi, hành tây thái mỏng, húng lủi, rau răm thái nhỏ, đậu phộng rang... để trộn gỏi, tạo nên món ăn mang đậm hương vị miền Trung. Các quán ăn gần cầu Rồng, hoặc bãi biển Phạm Văn Đồng có bán nhiều gỏi cá mai, giá khoảng 30.000-40.000 đồng một đĩa cho 4 người ăn.

Theo Má Lúm (Vnexpress)
Du lịch, GO!

Chùa Châu Long tên gọi là Châu Long Tự, ở thế kỷ XIX chùa thuộc thôn Châu Long tổng An Thành – Huyện Vĩnh Thận – Phủ Hoài Đức. Nay Thuộc phố Châu Long, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình – Hà Nội. (Địa chỉ mới số 112 phố Trấn Vũ – Trúc bạch – Ba Đình - Hà Nội).

Chùa Châu long là cơ sở kiến trúc Phật Giáo tọa lạc trên vùng đất cổ, gắn bó mật thiết với lịch sử tồn tại và phát triển của Kinh thành Thăng long.

Theo sách “Tây Hồ Chí” chùa Châu Long gắn bó với vị công chúa thời Trần (con gái vua Trần Nhân Tôn ) tên là Khiết Cô tuổi nhỏ đã xuất gia tu ở đây , mấy năm sau nghe ý vua muốn gọi về gả chồng nhưng công chúa không chịu, bà đã  trốn đi ở châu An Sinh, Đông Triều xóm bên cạnh dòng suối tu ở chùa Linh Ẩn.

Sau khi mất có xây tháp Môn đồ ở Châu Long tự. Về sau chùa có dựng tượng thờ bà và được các vương triều sắc phong: Linh Thông Công Chúa. Tấm Bia còn lại của chùa khắc vào đời Thành Thái năm Tân sửu (1901) có đề “Long Châu sơn cổ danh thắng dã, sơn thượng hữu tự, nhân danh yên cựu vô bi ký, bất tri sáng tự hà đại “nghĩa là: Núi Châu Long xưa là một danh thắng, trên núi có ngôi chùa, nhân đó Chùa mang tên Châu Long.

Chùa Châu Long là cơ sở kiến trúc Phật giáo toạ lạc trên vùng đất cổ, gắn bó mật thiết với lịch sử tồn tại và phát triển của kinh thành Thăng Long. Vào thế kỷ thứ 19, chùa thuộc thôn Châu Long, tổng An Thành, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức.

Chùa nằm trên gò đất cao trông ra hồ Trúc Bạch. Chùa có hình chữ Đinh, phía trước là tiền đường, sau là hậu cung. Trong chùa có tám cửa võng được chạm trổ tinh vi hình long, ly, quy, phượng, hoa, lá, vân mây... cũng như nhiều hoành phi, câu đối và tượng Phật.
Dulichgo
Chùa hiện có 5 gian tiền đường, 3 gian chuôi vồ, 8 bộ cửa võng chạm trổ thếp vàng, bộ tượng thờ gồm 23 pho tượng, bộ khám thờ, hoành phi, câu đối, chuông đồng đều có giá trị mỹ thuật cao. Đặc biệt hai tượng Văn Thù cưỡi sư tử xanh, tượng Phổ Hiền cưỡi voi trắng đều là những tượng đồng hiếm thấy.

Tượng Văn Thù thể hiện theo hình thức ngồi co chân trái, chân phải thả xuống để trần, tay phải cầm chuỗi tràng hạt đặt úp lên đầu gối, tay trái giơ lên theo lối tả thực sống động. Ngực tượng đeo dây Anh Lạc, ức nịt hình lá sen, chiếc áo cà sa được khoác trên bờ vai để tà áo chảy dài xuống chân. Có thể nói đây là hai khối tượng kim loại đẹp hiếm thấy trong nghệ thuật đúc tượng cổ Việt Nam thế kỉ XIX.

Khác hẳn các chùa khác thường làm tượng Thích Ca Cửu Long , quần cọc, giơ tay thẳng lên đầu, pho tượng Thích Ca Cửu Long tại chùa Châu Long giơ tay trái ngang ngực, áo mặc kín mình, được làm bằng chất liệu gỗ, chạm trổ tinh vi các hình rồng, tạo ra nét độc đáo riêng của hệ thống tượng trong Phật điện.

Ngoài ra chùa còn có tượng Thế Tôn cao hơn 3m, cốt phủ đất nện, tượng Di Lặc bằng đồng, 10 pho tượng Diêm Vương mang nét tạo tác đẹp. Ngoài ra, chùa còn có 1 quả chuông đồng được chuyển từ chùa Vĩnh Phúc tới. Ngoài toà tam bảo thờ Phật, chùa còn có điện thờ Mẫu gồm 3 pho tượng Tam Phủ, 3 tượng Quan Hoàng, tượng Bà Chúa Thượng Ngàn, 1 tượng Sư Tổ Bồ Đề Đạt Ma và 1 tượng Phật bà Quan Âm. Ngoài ra, còn có nhà Tổ, nhà bếp, nhà tăng...
Dulichgo
Ca tụng vẻ đẹp của ngôi chùa, tấm bia Cải tu Châu Long tự bia ký (bài khắc trên bia về việc cải tạo, trùng tu chùa Châu Long) đã ghi rằng:

"Ngôi chùa này tuy không có lầu cao, gác ngọc vàng son lộng lẫy nhưng lại có Trúc Bạch, hồ Tây bao bọc trước sau. Sông Tô Lịch in chiếu hai bên, chim bay cá lặn vùng vẫy thảnh thơi, bãi dài gò thấp nhìn sao bát ngát, ánh trời, bóng mây bảng lảng trước mặt. Một khoảng trời đất thấp thoáng trăm vẻ kì lạ, tốt tươi, bóng cổ thụ trùm xuống xanh rờn mênh mông ánh nước hồ chiếu lên bàng bạc... Đấy chính là chốn danh lam đệ nhất của đất Long Biên này vậy".

Chùa đã được trùng tu sửa chữa nhiều lần. Ở thời Nguyễn, chùa đã trùng tu lớn vào năm Mậu Thìn (1808) đời vua Gia Long; Năm Tân Sửu đời vua Thành Thái (1901) và năm Nhâm Thân đời vua Bảo Đại  (1932).

Chùa có nhiều di vật kiến trúc điêu khắc đẹp như các trụ biểu , hệ thống cửa võng chạm thủng hình tứ linh  “Long, Ly, Quy, Phượng “hoa điểu, văn mây hình học …riêng pho tượng Thích ca sơ sinh là một sáng tạo khá độc đáo. Tượng Đức Thế Tôn cũng là pho tượng cao hiếm thấy trong hệ thống tượng cùng loại ở các chùa nước ta . Chùa Châu Long như là một bảo tàng mỹ thuật cổ ở kinh thành Thăng Long phản ánh tài hoa của người nghệ nhân trong lịch sử.
Dulichgo
Chùa Châu Long xưa kia trang nghiêm, u tịch và huyền ảo. Các thi sĩ đến đây vãn cảnh từng nổi hứng làm nên những câu thơ hay:

Sương lam phủ đất chim chờ gió
Sóng bạc tung trời, cá đớp mây

hoặc:

Mây lẩn nước xanh màu đúc ngọc
Nguyệt lồng hoa thắm vẻ in châu

Chùa đã được Nhà nước xếp hạng Di tích Nghệ thuật Kiến trúc ngày 05/02/1994. Hiện nay Thượng tọa Thích Thanh Phúc - Ủy viên hội đồng trị sự TW GHPGVN – phó ban Trị sự THPG Hà Nội đương kim Trụ trì .

Theo Phaha.vn
Du lịch, GO!

Lần đầu tiên, du khách được thám hiểm vào sâu 4,5 km bên trong động Phong Nha, bơi qua Xuyên Sơn Hồ được mệnh danh là "hồ không đáy" vì chưa đo được độ sâu.

Từ tháng 7 này, trung tâm du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng đưa vào khai thác tour khám phá Xuyên Sơn Hồ và chinh phục 4,5 km động Phong Nha. Du khách được trải nghiệm chinh phục Xuyên Sơn Hồ bên trong kỳ quan đệ nhất động Phong Nha. Hồ này rộng khoảng 300 m2, được cho là một phần của sông ngầm Phong Nha, phát hiện vào đợt khảo sát năm 2012.

Đây là hai hồ nước "vô cùng bí ẩn" nằm cách nhau khoảng 500 mét trong động Phong Nha. Các chuyên gia đã không thể tiếp cận đáy hồ mặc dù sử dụng các thiết bị lặn hiện đại và thòng dây để đo đáy hồ. Hồ thứ nhất rộng chừng 70 m2, hồ còn lại rộng hơn 300 m2. Mặt hồ lặng như gương, nước xanh ngắt mát lạnh. Thám sát kỹ hồ thứ nhất, các thành viên đoàn khảo sát ngạc nhiên bởi hồ nước dường như không có đáy.
Dulichgo
Các chuyên gia đã không thể tiếp cận đáy hồ mặc dù sử dụng các thiết bị lặn hiện đại và thòng dây để đo đáy hồ. Theo thông lệ, đoàn khảo sát quyết định đặt tên hồ nước thứ nhất là Xuyên Sơn Hồ.

Trong tour này, du khách sẽ đắm mình trong làn nước xanh ngắt, mát lạnh của hồ trong động. Kết thúc tour, du khách được cấp chứng nhận khám phá Xuyên Sơn Hồ và chinh phục thành công 4,5 km sông ngầm trong động Phong Nha.
Dulichgo
Tham gia tour, du khách phải đi bộ, chèo thuyền kayak và bơi qua hồ, sông ngầm với chiều dài 9 km cả đi và về trong thời gian 6 tiếng. Do đó, tour này đòi hỏi khách phải có sức khỏe, không bị bệnh tim mạch, huyết áp. Du khách được trang bị đồ bảo hộ, thuyền kayak, một bữa ăn nhẹ kèm hướng dẫn viên.

Bên trong hang, du khách ngắm những nhũ đá, cảnh quan tráng lệ và kỳ ảo. Tour này được khai thác với 2-3 đoàn khách mỗi ngày, mỗi đoàn gồm 12 khách, có giá cao hơn so với tour thuần túy 1,5 km lâu nay.

Cạnh đó, trung tâm này cũng đang lên kế hoạch trình tỉnh Quảng Bình phê duyệt tour thám hiểm xuyên hang Tối dài 6 km, kéo dài 2 ngày một đêm.

Du lịch, GO! tổng hợp

(PNO) - Thác Tam Hợp nằm phía sau khuôn viên chùa Di Đà, cách trung tâm thành phố Bảo Lộc 35km. Thời điểm đẹp nhất ngắm thác là mùa mưa, khoảng cuối tháng 7.

< Thác Tam Hợp cuồn cuộn chảy trong mùa mưa...

Đến thác Tam Hợp vào mùa mưa tháng 7 của cao nguyên, có cảm giác như bước vào cõi thiên thai. Giữa không gian bao la, chỉ nghe tiếng thác đổ, tiếng lá cây xào xạc trong gió, màn sương bảng lảng che khuất tầm nhìn.

< Đường đi xuống thác Tam Hợp phủ đầy sương sớm.
Dulichgo
Thác Tam Hợp nằm phía sau khuôn viên chùa Di Đà, hay còn gọi chùa Đang Đừng, thuộc buôn Đang Đừng, xã Đạ Tồn (Bảo Lộc, Lâm Đồng).

Chùa Di Đà cách trung tâm thành phố Bảo Lộc 35km, đi theo hướng thác Đambri, rẽ phải vào Hoa viên Địa Tạng Vương, chùa cách đó khoảng 5km đường đất đỏ.

< Thảm cỏ xanh men theo dòng suối từ con thác.

Thác Tam Hợp chảy từ nguồn nước của Rừng Thần quanh khuôn viên chùa Di Đà. Thác mang tên Tam Hợp là vì có 3 dòng nước lớn đổ xuống từ độ cao 70m.

Dạo chơi thác vào mùa mưa và lúc sáng sớm sương chưa tan mới cảm giác hết được sự huyền diệu của thiên nhiên.

Sau cơn mưa suốt đêm, đường đi xuống thác buổi sáng vô cùng hiểm trở, chỉ một đoạn ngắn bậc thang lát đá. Sau đó, băng qua khu rừng nguyên sinh rậm rạp bóng cây cổ thụ, rễ cây chằng chịt dọc lối đi.

Có đoạn đường mòn đất đỏ trơn trượt, dốc thoai thoải, phải bám vào nhánh cây mà trườn người xuống. Có đoạn thảm cỏ xanh mướt, men theo một dòng suối. Tưởng chừng chỉ cần bất cẩn trượt chân là có thể ngã xuống suối.

< Mùa mưa, nước cuồn cuộn chảy xiết.
Dulichgo
Cách xa hàng trăm mét đã nghe thấy tiếng thác đổ ầm ầm, càng đến gần tiếng thác càng vọng lớn, bao trùm cả không gian núi rừng.

Khung cảnh thật hùng vĩ, dòng nước lớn từ trên thượng nguồn đổ về tuôn chảy không ngừng, va vào những tảng đá chắn ngang đường, tung bọt trắng xoá.

< Cảm giác thót tim khi đi qua hai chiếc cầu gỗ mỏng manh.

Cảm giác thót tim khi đi qua hai chiếc cầu gỗ mỏng manh, bên dưới là dòng nước cuồn cuộn chảy xiết, tia nước bắn lên chạm vào da thịt mát rượt.

Tiếng lá cây xào xạc trong gió, tiếng thác rì rầm, sương sớm bảng lảng tạo thành lớp màn trắng huyền ảo.

Xin phép sư thầy trụ trì nghỉ qua đêm tại chùa, bạn sẽ có thêm thời gian tận hưởng không khí yên tĩnh nơi đây. Chùa Di Đà có quần thể kiến trúc độc đáo, kết hợp hài hòa phong cách kiến trúc Phật Giáo, Châu Mạ và kiến trúc Việt. Trong khuôn viên chùa là những nếp nhà sàn bằng gỗ của người dân tộc, nóc mái chạm khắc phù điêu hoa văn, bên trong là những tượng Phật trang nghiêm.
Dulichgo
Xung quanh khuôn viên chùa là những nương chè thẳng tấp, ẩn hiện trong màn sương. Một nơi chốn bình yên, thanh tĩnh.

Theo An Nguyên (Báo Phụ Nữ)
Du lịch, GO!

Đeo bám ăn xin, nài nỉ mua hàng, chặt chém... đã khiến nhiều người khó chịu, một đi không trở lại.

< Bạn có thích cảnh một nhóm người cứ theo chào mời hàng suốt nhiều cây số dù bạn không muốn mua? Sapa đang tự đánh mất những gì đẹp nhất của chính họ...

Thị trấn Sa Pa nằm ở tỉnh Lào Cai là địa điểm hút du khách trong và ngoài nước. Khí hậu trong lành, mát mẻ, phong cảnh tuyệt đẹp, ẩm thực độc đáo và văn hóa dân tộc là những yếu tố khiến một lượng khách lớn đổ về đây. Tuy nhiên, dịch vụ ở thành phố trong sương có những bất cập khiến nhiều người không muốn quay lại.

Nạn ăn xin, đeo bám

Có lẽ đây là một trong những vấn đề khiến du khách khó chịu nhất. Xuống xe hay ra khỏi cửa khách sạn, điều đầu tiên họ nhìn thấy là “đội quân đeo bám” trong trang phục dân tộc, có từ trẻ em tới người già, tay cầm vòng bạc, túi thêu... chờ sẵn. Khi chào mời mua không được, những người này bám theo, nài nỉ cho tới khi du khách không chịu nổi, và đành phải mua hoặc cho tiền.

Bạn đọc có nickname Cucngoc cho biết, khi đi cùng nhóm bạn lên Sa Pa, qua quảng trường nhà thờ và lên núi Hàm Rồng, các bạn lịch sự từ chối khi không có nhu cầu mua sắm. “Hôm sau chúng tôi đi thác Bạc, đến hang Tà Phìn, khu đá cổ, bảo tàng gia đình..., cả một đội quân bán hàng đeo bám, từ lúc chúng tôi bước xuống xe cho tới khi lên xe về. Họ còn lên cả trên xe, cho đến khi xe chạy mới chịu xuống”.
Dulichgo
Tình trạng đeo bám này không chỉ diễn ra ở trung tâm thị trấn mà còn rất phổ biến ở các bản du lịch như Cát Cát. Bạn Nguyễn Ngọc (Thanh Xuân, Hà Nội) kể lại câu chuyện vừa đáng buồn, vừa đáng bực: “Nhìn vẻ bề ngoài của các bé, ai cũng nghĩ chúng như em út trong nhà. Nhưng chúng bám theo khách du lịch nhiều cây số, vòi tiền khi có người ngồi xích đu công cộng. Mình ngồi xích đu và còn chơi chung với các em, cho mỗi đứa mấy cái kẹo. Lúc thiếu kẹo, mình mua thêm một gói đưa cho bé lớn nhất chia. Hai em được ít hơn đã đi theo mình từ đầu bản tới tận cổng bản, để đòi cho bằng được. Điều đó thực sự làm mình mất vui và rất khó chịu”.

Du khách quốc tế mới là mục tiêu chính của “đội quân” này. Bạn Mai Tấn (Xuân Trường, Nam Định) cảm thấy vừa bực mình, vừa xấu hổ khi chứng kiến cảnh các du khách nước ngoài khổ sở khi bị người dân vây quanh nài mua hàng: “Tôi đi cùng anh bạn người Anh, và không biết giấu mặt vào đâu khi bị hết nhóm người này tới nhóm người khác bao vây. Anh bạn tôi lúng túng và bối rối, vì đây là lần đầu gặp tình trạng này, dù đã đi nhiều nơi trên thế giới. Những người đó lẵng nhẵng đi theo cho tới khi tôi phải cho ít tiền”.

“Chặt chém” không được thì chửi

Bàn tới giá cả ở Sa Pa, nhiều du khách phàn nàn vì phần lớn các mặt hàng, sản phẩm đều quá đắt đỏ và thường xuyên bị nâng giá quá mức. Một số chủ hàng còn buông lời mạt sát khi khách không mua. Bạn Thùy An (Xa La, Hà Nội) cho biết: “Khăn dân tộc ở Mù Cang Chải bán khoảng 40.000-50.000 đồng. Ở đây bán 150.000 đồng. Mình hỏi một quán ăn xem gà giá bao nhiêu, thấy đắt quá không ăn nữa thì bị chủ quán chửi”.
Dulichgo
Trí Thức (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng gặp tình huống dở khóc dở cười khi mua hàng ở Sa Pa. Sau khi leo Fansipan về bị hỏng giày, anh tìm mua một đôi ở dãy hàng cạnh nhà thờ. Khi thấy bị hét giá lên gấp 4 lần và mặc cả không được, anh quyết định không mua nữa thì bị chửi với theo: “Bọn này làm gì có tiền mà cũng vào xem hàng”.

Quá tải và chất lượng dịch vụ ngày càng kém

Sau khi tuyến đường cao tốc mới Hà Nội - Lào Cai được thông xe, đường tới đây đã thuận lợi hơn, với tổng thời gian đi lại chỉ còn khoảng 4-5 tiếng, thay vì 8-9 tiếng như trước đây. Do đó, lượng khách tới Sa Pa ngày một tăng và quá tải vào những dịp nghỉ lễ, cao điểm. Cơ sở hạ tầng cùng dịch vụ không đủ đáp ứng cho du khách.

Bạn đọc Minh Thanh (Hà Nội) bức xúc: “Cuối tuần Sa Pa rất đông. Mọi người tụ tập ở sân chính trước nhà thờ đá vì có chương trình ca nhạc phục vụ khách du lịch. Tình hình mất trộm, móc túi xảy ra nhiều. Khu đồ nướng bên hông nhà thờ trung tâm trước đây rất sầm uất, đông đúc, năm nay bị giải toả hết ra khu vực bờ hồ, còn lại 2 hàng trong khu đó. Nhưng đồ nướng ôi thiu, dở tệ. Nói chung đi Sa Pa giờ rất xô bồ, nhộn nhạo”.

Bạn còn cho biết, lượng khách càng ngày càng đông, nhưng chất lượng dịch vụ, nhà nghỉ khách sạn không cải thiện. Giá cả dịp lễ, tết cao cấp 2-3 lần. Tình hình cháy phòng là chuyện thường xảy ra. Các tour leo Fansipan hay bán khách. Nhiều hướng dẫn viên tự phát, thu thập khách leo Fansipan, sau đó khi lên Sa Pa thì bán cho một công ty khác với mức dịch vụ không tương xứng mức phí đã thu.

Mất dần bản sắc
Dulichgo
Những nét văn hóa của người vùng cao giờ đã phai mờ, rất khó để du khách có cơ hội trải nghiệm. Bạn đọc Trần Kiên (Phương Mai, Hà Nội) bày tỏ sự thất vọng khi tới chợ tình Sa Pa: “Người ta không còn thấy trai gái dập dìu, không còn thấy những anh trai bản nhảy múa trong điệu khèn, hay các chị con gái ríu rít váy hoa tung xòe nữa. Giờ là một đám trẻ con, tầm sơ sơ từ 10 đến 15 tuổi.

Nó cũng nhảy, cũng cười, nhưng sặc mùi kinh tế. Một đứa cầm mũ đi vòng quanh. Người ta ném tiền vào mũ, đến khi nào nó thấy kha khá thì ra hiệu và bọn trẻ con thổi khèn, nhảy để biểu diễn. Không còn những tiếng khèn réo rắt, không còn những ánh mắt liếc đưa tình, cũng không còn cái e thẹn của các cô gái lần đầu đi chợ tình, chỉ như người ta trả tiền để xem hát xem múa, xem cái lạ mắt lạ tai thôi. Nhảy một lúc không ai đưa tiền, các em lục đục cất khèn, cất khăn kéo nhau về. Đâu đó có cả tiếng mắng tiếng chửi, vì người ta cho tiền rồi, nhưng ít nên các em chê, không nhảy”.

Có thể nói Sa Pa là một trong những viên ngọc quý của du lịch Việt Nam, nhưng nếu tình trạng này còn tiếp diễn và không sớm có những thay đổi, vẻ đẹp lộng lẫy của viên ngọc sẽ biến mất, chỉ còn lại một vùng đất tẻ nhạt, xô bồ, khách đến một lần rồi không trở lại.

Theo Hoàng Linh (New Zing)
Du lịch, GO!

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.